Chính sách kinh tế Cải_cách_Atatürk

Chính sách thúc đẩy kinh tế của Mustafa Kemal không những chỉ ở xây dựng ngành thương mại dân tộc ở mọi quy mô mà cả những ngành gần như chưa có dưới thời đế chế Ôttôman như công nghiệp của tư sản dân tộc. Tuy vậy, vấn đề đầu tiên mà chính sách này gặp trở ngại là hệ thống chính trị lạc hậu và sự tồn tại cũng như phát triển của các giai cấp không đáp ứng nổi với những chính sách trên.

Do thiếu cả những nhà đầu tư thực sự có tiềm năng để mở nhà máy riêng hay tiến hành sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, buộc nhà nước phải thành lập hàng loạt các nhà máy chế biến nông sản, dệt, cơ khí khắp cả nước. Trong số đó phần nhiều phát triển thành những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thành công mà sau này sẽ được tư nhân hóa trong nửa sau thế kỉ 20. Atatürk coi trọng sự phát triển của hệ thống đường ray xe lửa quốc gia, lấy đó làm bước tiến quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Năm 1927, Ngành đường sắt quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ ra đời và đã xây dựng được một hệ thống đường ray xe lửa khổng lồ trong một thời gian ngắn.

Giai đoạn 1923-29

Mustafa Kemal và İsmet İnönü vận động cho các đề án của nhà nước, với mục đích chính là thống nhất quốc gia, loại trừ sự kiểm soát kinh tế của nước ngoài và cải tiến hệ thống thông tin-liên lạc. Istanbul, một hải cảng quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa với các hãng quốc tế bị buộc phải đóng cửa, để các nguồn tài nguyên-tài chính được chuyển sang cho các thành phố kém phát triển hơn theo nguyên tắc tạo ra sự phát triển cân bằng trên khắp cả nước. Những lựa chon mà Mustafa Kemal áp dụng trong chính sách kinh tế là hoàn toàn hợp lý [cần dẫn nguồn]với tình hình thời bấy giờ. Nền kinh tế của đất nước dựa nhiều vào sản xuất nông nghiệp, với công cụ và phương pháp thô sơ, hệ thống đường sá nghèo nàn, và khả năng quản lý nền kinh tế còn kém.

Ngành đường sắt Thổ Nhĩ Kỳ, và những ngân hàng như Sümerbank và Etibank được thành lập trong thời gian này.

Cuộc đại suy thoái, 1929

Cuộc đại suy thoái gây ra những hậu quả trầm trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nước cộng hòa non trẻ cũng như phần còn lại của thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhà nước không thể tiếp tục nhập khẩu những nhu yếu phẩm, tiền tệ mất giá, và nhân viên hải quan sốt sắng đi tịch thu tài sản của những nông dân không trả nổi thuế. Mustafa Kemal phải đối đầu với khả năng của một cuộc chính biến. Càng ngày càng xuất hiện những yêu cầu chấm dứt nền kinh tế tập trung và kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài. Theo quan điểm của Mustafa Kemal, với hoàn cảnh phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ thì điều đó là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, do áp lực của những nhà cộng hòa, một mô hình kinh tế mới đã ra đời, dưới dạng tư bản nhà nước.